Hơn 20 năm trước, khi nhìn thấy sự tàn phá nặng nề của những cánh rừng, chỉ còn đất trống đồi trọc, ông Vừ Chả Chống cùng nhiều người ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã bắt đầu đi tìm giống cây pơ mu, sa mu về trồng để khôi phục lại. Và hơn 20 năm sau, từ khu đất trống, đồi trọc nay đã hình thành nên một khu rừng pơ mu, sa mu xanh bạt ngàn. Việc làm này đã khơi dậy nguồn động lực trồng rừng ở Kỳ Sơn, một số bà con đã trồng theo, bước đầu mang lại kết quả.
Biến giấc mơ Pơ mu thành hiện thực
Từ xa xưa, cuộc sống người dân tộc Mông ở Nghệ An đã gắn với cây pơ mu. Ở đâu có cây pơ mu thì ở đó người Mông sinh sống, bởi theo quan niệm của người dân, vùng đất đó sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Gỗ cây pơ mu, sa mu rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên người Mông thường dùng để dựng nhà. Đặc biệt, gỗ có tinh dầu nên bà con thường dùng để làm mái nhà hàng chục năm không mối mọt, hư hỏng.
Tuy nhiên, từ những năm 1990, những cánh rừng trên địa bàn xã Huồi Tụ, H.Kỳ Sơn (Nghệ An) bị tàn phá nặng nề, chỉ đất trống đồi trọc. Phần vì đói nghèo, phần vì nhận thức còn hạn chế nên nhiều người dân nơi đây đã đua nhau đi phá rừng. Những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm gắn liền với cuộc sống, văn hoá người Mông nhanh chóng bị đốn hạ. Rừng mất nhưng cuộc sống của người dân địa phương cũng chẳng khá lên mà đói nghèo vẫn bủa vây. Để rồi, khi nhìn về những cánh rừng đang “chảy máu” những người từng gắn bó với rừng trở nên xót xa, nuối tiếc. Trước thực trạng đó, ông Vừ Chả Chống ở bản trung tâm, xã Huồi Tụ trăn trở, muốn khôi phục lại cánh rừng Pơ mu nên đã cặm cụi đi tìm giống cây trồng lại rừng.
Ông Vừ Chả Chống chia sẻ: “Trước đây, tôi từng có thời gian đi bộ đội nghĩa vụ. Thời đó, bọn thổ phỉ hoạt động mạnh, tôi tham gia tiêu diệt bọn thổ phỉ trong rừng cây pơ mu xanh bạt ngàn, tôi mơ ước quê mình có được rừng cây như vậy. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê, thấy rừng Pơ mu ngày càng bị tàn phá, đất trống, đồi trọc, trong đầu chợt nghĩ đến cánh rừng Pơ mu xanh bạt ngàn năm xưa. Tôi lên xã xin nhận vùng đồi trọc để phục vụ sản xuất. Những năm đầu, tôi chỉ nuôi gà, trồng chè xanh. Khi chè và gà đã cho thu hoạch thì bán để lấy tiền mua cây giống Pơ mu và sa mu về trồng. Lứa cây đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nên đã bị chết hơn nửa, tôi tìm đến xã Tây Sơn để học hỏi kinh nghiệm và đã thành công”.
Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, ông Vừ Chả Chống đã sở hữu khu rừng rộng hơn 7ha với hàng nghìn cây pơ mu, sa mu cao lớn quý hiếm. Thấy ông vẫn miệt mài trồng thêm rừng, nhiều người dân trong xã cũng học theo. Nhờ đó, cánh rừng pơ mu, sa mu nay đã mở rộng gần 20ha. Dưới tán cây pơ mu, chè Shan tuyết vẫn được trồng và cho thu hoạch đều đặn. Ngoài ra, thu nhập của gia đình ông Chống còn nhờ vào đàn gà nuôi trong rừng.
Vừa giữ rừng vừa phát triển du lịch
Xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn được xem là thủ phủ của cây pơ mu. Từ năm 1995, với chủ trương xã hội hoá nghề rừng, thông qua Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, đồng bào dân tộc được vận động tham gia trồng và bảo vệ rừng. Đến nay, sau hơn 20 năm, những cây pơ mu ngày nào được gom nhặt trong rừng giờ đã vươn cao hàng chục mét, đường kính từ 30 đến 50cm.
Những cây pơ mu đã cao lớn, thẳng tắp với giá trị mỗi ha ước tính hàng trăm triệu đồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, môi trường cho bà con... mà còn là điểm đến của khách du lịch và mở ra cơ hội giúp người dân nơi dân thoát nghèo.
Anh Vừ giống Mà, bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết, ngay từ khi trồng, người dân đã nhận được tiền hỗ trợ. Đến khi cây lớn, bà con tiếp tục nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng nên trồng rừng rất có lợi. Đồng bào Mông sinh sống trên núi cao nên cây pơ mu, sa mu còn có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ đất đai, bảo vệ bản làng. Việc triển khai trồng rừng pơ mu ở xã Tây Sơn đã thực sự tạo được lòng tin trong nhân dân, làm thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng của đồng bào nơi đây.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn xã Tây Sơn có gần 100ha, trong đó rừng pơ mu gần 90ha, sa mu hơn 10ha tập trung ở ba bản Huồi Giảng 1,2,3. Với giá trị mỗi ha ước tính lên tới trên 500 triệu đồng, những cánh rừng pơ, mu sa mu hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế rất lớn.
Anh Vừ Bả Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết, hàng năm xã đều phải lập kế hoạch phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng nói chung, cây Pơ mu, sa mu nói riêng. Công tác tuyên truyền cũng được chính quyền đia phương chú trọng, mỗi lần chi trả dịch vụ môi trường rừng thì chính quyền xã đều phổ biến cho người dân. Bên cạnh tác dụng chống sạt lở, giữ đất, bảo vệ bản làng, những khu rừng pơ mu, sa mu là điểm đến hấp dẫn người dân từ nhiều nơi, nhất là giới trẻ đến đây tham quan, dã ngoại, trải nghiệm qua đó có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân. Sắp tới, xã sẽ thành lập Hợp tác xã để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Với ý nghĩa đó, huyện Kỳ Sơn đang tiếp tục tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu, đồng thời nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng. Qua đó, nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào. Hiện một số hộ trên địa bàn đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương rất khuyến khích bởi việc làm này vừa giúp bà con tăng thu nhập vừa giáo dục mọi người ý thức bảo vệ rừng.
Dương Hóa
Nhận xét
Đăng nhận xét