Tăng trưởng 300% trên Amazon, một hãng đồ gỗ Việt đi từ gia công đến tự chủ thương hiệu, tham vọng phủ sóng khắp nước Mỹ
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ, với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp tập trung gia công cho thương hiệu khác hoặc xuất khẩu bán buôn. Để thay đổi điều này, ngay từ đầu Beefurni xác định sẽ trực tiếp tiếp cận khách hàng quốc tế.
Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ. Năm 2022, thị trường đã được mở rộng đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Mặc dù vậy, vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp Việt đa phần mới chỉ tập trung gia công cho thương hiệu khác hoặc xuất khẩu bán buôn, thay vì khai thác tiềm năng bán lẻ trực tiếp cho khách hàng ở nước ngoài.
Kết quả là ngành gỗ nội - ngoại thất Việt đứng trước thách thức chậm chuyển đổi do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực. Trong khi đó, quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đang không ngừng được số hóa, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch khi chuỗi cung ứng truyền thống đứt gãy, gián đoạn.
Beefurni – một doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam không nằm ngoài tình huống này.
Tiền thân là một nhà sản xuất, dù bán được hàng nhưng sản phẩm của Beefurni không có giá trị thương hiệu. Doanh nghiệp cũng không trực tiếp nắm bắt được thị hiếu người dùng và thị trường, mà phải thông qua các đối tác mua hàng sỉ. Đại dịch ập đến càng đặt ra thách thức sinh tồn cho doanh nghiệp khi lượng đơn hàng giảm, quy trình vận hành xuất nhập khẩu gián đoạn.
Do vậy, Beefurni vạch ra mục tiêu: tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tìm hướng tiếp cận khách hàng quốc tế, mở ra một hướng kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Kinh doanh thông qua Amazon từ năm 2019, lĩnh vực nội thất mà Beefurni hoạt động là một trong những ngành hàng cạnh tranh nhất trên nền tảng này.
“Chúng tôi mong muốn Việt Nam không phải công xưởng gia công nữa, mà là đất lành cất cánh của nhiều thương hiệu với sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam”, chị Lê Thị Tú Uyên, quản lý thương hiệu Beefurni chia sẻ.
Từ một hãng gia công đến làm chủ thương hiệu, đạt tốc độ tăng trưởng 300%
Ông Gijae Seong – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam từng nhận định Việt Nam đang ở “giai đoạn vàng” để xuất khẩu online.
Thực tế cũng cho thấy điều này. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2022, 10 triệu sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã được bán ra trên Amazon. Giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng cũng tăng hơn 45%, số đối tác có doanh số trên 500.000 USD tăng 60%.
Không bỏ lỡ “cơ hội vàng”, Beefurni bắt đầu theo đuổi con đường kinh doanh TMĐT xuyên biên giới dài hạn bằng việc đăng ký thương hiệu riêng trên Amazon. Đây được đánh giá là nền tảng có lợi thế lớn về khách hàng, tính chuyên nghiệp và tỷ lệ chuyển đổi cao.
Về sản phẩm, Beefurni tập trung vào các sản phẩm gỗ gia đình nhỏ gọn, có thể tối ưu kích thước khi đóng gói và vận chuyển để kinh doanh trên Amazon, bao gồm phụ kiện nhà bếp như thớt gỗ, giá kệ gỗ, bàn ghế gỗ gấp gọn, vỉ gỗ lót sàn ngoài trời.
“Với ưu thế là một nhà sản xuất, chúng tôi tự tin có thể đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng mà ít nhà phân phối khác đáp ứng được”, chị Tú Uyên cho hay.
Bên cạnh việc trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng toàn cầu, Amazon còn đem đến giải pháp logistics cho Beefurni – yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành hàng nội thất. Dịch vụ FBA – Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon có thể giúp tối ưu vận hành, cũng như đảm bảo giao hàng trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã chọn được sản phẩm phù hợp và được chương trình FBA hỗ trợ, Beefurni vẫn gặp khó khăn thời gian đầu do ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài việc thời gian vận chuyển kéo dài hơn, số lượng đơn hàng ban đầu chưa cao khiến Beefurni đứng trước khó khăn về giới hạn kho lưu trữ.
Để giải quyết vấn đề, đội ngũ của doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp như thống kê, chọn lọc những sản phẩm nhỏ và bán chạy ưu tiên lưu tại kho Amazon, đồng thời thuê kho bên ngoài để gia tăng số lượng hàng dự trữ, từ đó vượt qua giai đoạn thách thức và kinh doanh ổn định dần.
Ngoài ra, thông qua Amazon, Beefurni có thể đọc phản hồi trực tiếp của khách hàng, từ đó cải tiến sản phẩm nhanh chóng theo mong muốn của khách, rút ngắn thời gian từ 6 tháng nếu bán hàng qua trung gian phân phối xuống còn 1 tháng khi là nhà sản xuất trực tiếp kinh doanh sản phẩm từ thương hiệu của mình.
Nỗ lực tạo dựng tên tuổi riêng trên thị trường của Beefurni đã gặt hái thành quả. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước đó.
Không phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng gia công sỉ, với lượng đơn hàng từ Amazon, công suất của nhà máy đã tăng lên đáng kể. Kế hoạch sản xuất trong nhà xưởng cũng ổn định hơn, đáp ứng nhu cầu công việc tốt hơn cho công nhân.
“Mục tiêu của Beefurni là phủ sóng thương hiệu trên khắp nước Mỹ, sau đó mở rộng việc bán hàng trên Amazon đến các nước như Anh, Singapore hay Nhật Bản trong thời gian tới”, anh Nguyễn Phú Vương - Trưởng nhóm Marketing của Beefurni trên kênh Amazon cho hay.
Doanh nghiệp đồ gỗ này là một ví dụ về quá trình chuyển đổi của các nhà sản xuất truyền thống tại Việt Nam. Để thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, họ buộc phải chủ động tìm hướng đi mới để thích nghi.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling, top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Do đó, các sản phẩm gỗ nội ngoại thất Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo được giá trị mới với những thương hiệu toàn cầu, nếu doanh nghiệp nhạy bén.
Nhận xét
Đăng nhận xét