4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,09 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng 3/2023 và giảm 32,2% so với tháng 4/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 777 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng 3/2023, nhưng giảm 32,8% so với tháng 4/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm. Vì vậy, hầu hết gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất tới Hoa Kỳ, tuy nhiên trị giá xuất khẩu tới thị trường này ghi nhận mức giảm mạnh, đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu tại Hoa Kỳ giảm mạnh do ảnh hưởng của lạm phát đã tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Mặc dù, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ suy giảm theo tình hình chung, nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường quyết định tăng trưởng của ngành gỗ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục giữ vững thị trường Hoa Kỳ bằng việc cập nhật thông tin, chuyển đổi sản xuất theo xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Tiếp theo, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 556,3 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022; tới Trung Quốc đạt 481,2 triệu USD, giảm 11%; tới Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD, giảm 23,4%; tới Anh đạt 60,3 triệu USD, giảm 40,1%...
Nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, nhất là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro.
Một số ngành hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023. Rủi ro suy thoái toàn cầu rõ ràng có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét