Lạm phát tại Hoa Kỳ và EU vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản cũng đang ở giai đoạn trầm lắng là những nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu đồ gỗ, nhất là đồ gỗ nội thất của Việt Nam, sang hai thị trường trọng điểm này sẽ khó phục hồi trong thời gian tới…
Nhận định thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và lâm sản trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng mức độ ổn định tại ba thị trường Đông Á quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu sang ba thị trường Đông Á tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác. Trong khi đó, thị trường trọng điểm cho xuất khẩu đồ gỗ, đặc biệt là đồ gỗ nội thất lại là Mỹ và EU.
XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ VÀO EU VA HOA KỲ GIẢM MẠNH
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2023, trị giá xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng mặt hàng đồ gỗ nội thất chiếm 56,5% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 11,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ được xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ, với tỷ trọng chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý 1/2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ đã giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Với thị trường EU, trong 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 133,2 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại tọa đàm “Xu hướng và tiềm năng ngành đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Âu – Mỹ” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định: lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế, tuy nhiên hiện chưa có dấu hiệu lạm phát sẽ giảm trong ngắn hạn.
Năm 2023, kinh tế EU được dự báo chỉ tăng trưởng 0,5% so với mức tăng trưởng 2% của năm 2022, lạm phát vẫn ở mức cao khoảng 7%. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đồng thời gây khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU.
Ngoài ra, ngành bất động sản tại các thị trường EU và Hoa Kỳ đang ở giai đoạn trầm lắng. Xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ, nội thất phòng khách, nội thất văn phòng đều phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Tới thời điểm hiện tại, ngành bất động sản chưa có tín hiệu cải thiện. Theo đó, dự kiến trong ngắn hạn kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất vẫn sẽ tiếp tục giảm.
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu tới EU được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.
Với thị trường Mỹ, các chuyên gia cho hay nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Mỹ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ. Do vậy, trong ngắn hạn xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam tới thị trường Mỹ khó có khả năng tăng trưởng. Cùng với đó là hàng loạt những khó khăn doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt như chính sách tài chính tiền tệ của Mỹ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định của chính quyền liên bang, đặc biệt trong vấn đề kiểm dịch, tiêu chuẩn lao động...
ĐẶT HY VỌNG VÀO EVFTA
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TP.HCM (ITPC), cho biết EU là khu vực có sức tiêu thụ đồ nội thất chiếm đến 25% tổng nhu cầu trên toàn thế giới và có tốc độ tăng trưởng hàng năm 4,5%. Dù nhập khẩu đồ nội thất vào khu vực EU tăng trưởng mạnh, nhưng số lượng đồ gỗ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ.
Năm 2022, đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất sang EU chỉ chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU. Bởi vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần tại EU.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang tác động thuận lợi cho ngành gỗ, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam.
EVFTA bước sang năm thứ 3 có hiệu lực được xác định là động lực thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường EU. Việt Nam là một trong bốn nước có hiệp định thương mại với EU ở khu vực châu Á. Chính sách thương mại của EU đang tập trung vào các quốc gia này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa. Đây cũng là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2023 phát hành ngày 01-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nhận xét
Đăng nhận xét