Hàng chục năm qua, rừng Tây Nguyên liên tục suy giảm số lượng và chất lượng. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) còn khiêm tốn. Thực tế này khiến cho công tác QLBVR vốn đã khó ngày càng khó hơn.
Kỳ 1: Nỗi niềm của người “giữ vàng”
Rừng là vàng. Lẽ ra những người “giữ vàng” phải được đãi ngộ tốt, xứng đáng với công sức bỏ ra. Thế nhưng, thực tế ở Tây Nguyên, những người QLBVR lại đang phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trạm 5 không và hơn 5.400 ha rừng
K’Tang (SN 1996) là người dân tộc Mạ, sinh sống ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Anh hiện đang phụ trách Trạm QLBVR số 1 của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk R’măng.
Từ cụm dân cư gần nhất của xã Đắk R’măng vào Trạm QLBVR số 1 của anh khoảng 15 km. Vào mùa nắng, K’Tang đi khoảng 1 giờ đồng hồ. Nhưng vào mùa mưa, thời gian tăng gấp 4 lần.
Theo K’Tang, đặc trưng của rừng Đắk R’măng là địa hình rải rác, chia cắt mạnh. Đường sá đi lại rất nhỏ hẹp và dốc, nhiều đoạn kế bên vực sâu. Cầu bắc qua các con suối trong rừng lâu ngày bị hư hỏng, không được tu sửa.
Trạm QLBVR số 1 của K’Tang là một căn nhà gỗ nhỏ, được làm từ năm 2015, đã xuống cấp trầm trọng. Hằng đêm, các thành viên trong trạm phải nằm trên sạp ván đóng tạm, gồ ghề.
Cách đó không xa, Trạm QLBVR số 2 rộng chừng 12m2. Để canh rừng, các nhân viên QLBVR phải ở nhờ nhà dân. Khi nào tuần tra ở rừng sâu, họ cắm chốt mắc tăng, võng trực gác giữa rừng để ngủ nghỉ.
“Nói là trạm, nhưng thực chất chỉ là nơi che mưa nắng, thiếu đủ thứ. Chúng tôi làm việc với “5 không”: không điện, không đường, không nhà, không nước sạch và không có sóng điện thoại”, K’Tang hài hước cho biết.
Hai Trạm QLBVR của BQLRPH Đắk R’măng là nơi sinh hoạt, ăn ở của 11 nhân viên chuyên trách. Ấy vậy, họ vẫn đang đảm nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 5.400 ha rừng, trong đó có gần 3.000 ha rừng tự nhiên.
Theo ông Trương Trường Giang, Giám đốc BQLRPH Đắk R’măng, hiện nơi ăn ở, sinh hoạt của lực lượng QLBVR rất khó khăn. Vào mùa nắng, các trạm được phát sáng bằng nguồn điện từ những tấm năng lượng mặt trời. Nhưng vào mùa mưa, các trạm không có điện.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, huyện Đắk Song (Đắk Nông), cả 4 trạm QLBVR cũng đã xuống cấp. Hầu hết các trạm được làm bằng gỗ, thưng tôn, nền đất, rộng từ 20 - 30m2. Đây là nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của 20 nhân viên QLBVR chuyên trách.
“Giờ họ phá rừng tinh vi lắm, dùng cưa không có tiếng kêu"
Tháng 4, tháng 5 hằng năm là cao điểm mùa khô. Đây cũng là lúc người dân thường lợi dụng phá rừng để lấy đất sản xuất. Áp lực QLBVR vì thế mà tăng lên.
Các tiểu khu 1644, 1645 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) được xác định là địa bàn khá phức tạp.
Khu vực này được giao cho Trạm QLBVR số 1 của Công ty quản lý. Trạm này có 5 nhân viên QLBVR chuyên trách và được UBND xã Quảng Sơn hỗ trợ thêm 2 dân quân tự vệ cùng tham gia giữ rừng.
Theo anh Nguyễn Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm QLBVR số 1, lâm phần quản lý của trạm không quá rộng. Nhưng rừng nằm theo kiểu "da báo", xen với khu vực sản xuất của người dân. Chỉ một chút lơ là, rừng sẽ bị phá.
Hàng ngày, trạm chia lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra. Tại các “điểm nóng”, trạm bố trí người luân phiên túc trực cả ngày đêm để bảo vệ rừng. Các hành vi phát dọn, trồng cây trái phép sẽ được lập biên bản, xử lý ngay.
“Giờ họ phá rừng tinh vi lắm, dùng cưa điện nên không có tiếng kêu. Họ dùng cả bộ đàm để canh đường, thông tin cho nhau khi thấy lực lượng QLBVR. Gần đây, chúng tôi còn gặp cảnh rải đinh trên đường để làm hỏng xe máy tuần tra của anh em”, anh Hùng tâm sự.
Ông Đinh Văn Nam, Giám đốc Công ty Quảng Sơn cho hay, diện tích rừng của đơn vị nằm rải rác với diện tích do người dân lấn chiếm trước đó, nên việc giữ rừng trở nên khó khăn, vất vả hơn.
Để giữ rừng, Công ty bố trí lực lượng QLBVR tuần tra, kiểm soát ngày đêm. Anh em QLBVR luôn phải “căng mình” trước những áp lực ngày càng lớn.
Tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), nhiều “điểm nóng” được xác định để tăng cường công tác QLBVR.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty cho biết, bám rừng ngày đêm là nhiệm vụ của lực lượng QLBVR. Anh em tuần tra rừng bằng xe máy, đoạn nào khó thì đi bộ, mỗi tốp từ 3 - 5 người.
Ai nấy tự mang đầy đủ tư trang trong ba lô. Đến đâu tiện lợi thì họ mắc võng, dựng bếp lên nấu nướng, ngủ nghỉ ở đó. Mỗi chuyến đi thường kéo dài ngày.
Thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng
Gian khổ là vậy, nhưng thu nhập của lực lượng QLBVR là rất khiêm tốn. Theo Giám đốc BQLRPH Đắk R’măng Trương Trường Giang, thu nhập mỗi tháng của nhân viên QLBVR chỉ khoảng 5 triệu đồng/người và phải tự túc phương tiện, thức ăn.
Mỗi người được hỗ trợ thêm 500.000 đồng tiền ăn và xăng xe đi tuần tra hàng tháng. Mỗi năm, Công ty hỗ trợ thêm mỗi người 2 triệu đồng tiền để sửa xe máy tuần tra. "Tất cả chỉ có chừng đó", ông Giang khẳng định.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa mỗi tháng chi trả khoảng 100 triệu đồng cho 20 nhân viên QLBVR. Số tiền này bao gồm cả tiền ăn, tiền hỗ trợ điện thoại (đối với trạm trưởng, trạm phó). Tính trung bình, mỗi nhân viên QLBVR nhận được tổng cộng khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Bá Giáp, Giám đốc Công ty, mỗi năm Công ty được cấp khoảng 3,3 tỷ đồng từ Ngân sách. Trong đó, có khoảng 1,2 tỷ đồng tiền QLBVR và 2,1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Kinh phí như vậy là rất eo hẹp, chưa đáp ứng nhiệm vụ QLBVR.
“Lâm phần quản lý của Công ty rất phức tạp, cần số lượng đông hơn con số 20 nhân viên QLBVR chuyên trách như hiện tại. Nhưng với chừng đó tiền, việc trả lương đã rất khó khăn. Có thời điểm, Công ty còn không có tiền đóng bảo hiểm cho nhân viên”, ông Giáp chia sẻ.
Một số “chủ rừng” khác ở Đắk Nông có thu nhập khá hơn, nhưng chẳng đáng là bao. Chẳng hạn, Vườn Quốc gia Tà Đùng có mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil 7 triệu đồng/người/tháng; Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành 9 triệu đồng/người/tháng…
Ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành cho biết, thu nhập như vậy, nhưng mỗi cán bộ QLBVR của Công ty đang làm nhiệm vụ rất nặng.
Họ phải trực 24/24h trong 6 ngày/tuần; thường xuyên phải đi tuần tra trong rừng; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn; phương tiện tuần tra thô sơ.
(Còn nữa)
Nhận xét
Đăng nhận xét