Sau một thời gian nhộn nhịp, thị trường viên nén gỗ ở Gia Lai ‘bất động’ không thể xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, nguy cơ giải thể ngày càng hiện hữu.
Viên nén gỗ, tương lai và thách thức
Cỏ voi - cây trồng năng lượng triển vọng trong tương lai gần
Cơ hội xuất khẩu tỷ đô từ viên nén gỗ
Ngành chế biến gỗ khốn khó bủa vây
Tồn kho hàng ngàn tấn
Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ nói chung và viên nén gỗ nói riêng của Gia Lai đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nếu như thời điểm cuối năm 2022, hoạt động của các nhà máy sản xuất viên nén gỗ còn nhộn nhịp thì nay phần lớn đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng để chờ thị trường. Chính vì áp lực thị trường cùng dòng vốn xoay vòng đã đè nặng lên doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, khiến nguy cơ giải thể ngày càng cao.
Do không thể xuất khẩu, nhà máy viên nén gỗ Phúc Khoa (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) hiện còn tồn kho vài ngàn tấn viên nén gỗ. Chính vì không thể tiêu thụ, nhà máy buộc phải giảm số lượng lao động để tránh thua lỗ, đồng thời chờ đợi tín hiệu thị trường xuất khẩu trở lại.
Ông Nguyễn Phúc Dũng, Quản lý Nhà máy viên nén gỗ Phúc Khoa cho biết, thị trường xuất khẩu viên nén gỗ của nhà máy chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong quý I/2023 lượng viên nén gỗ xuất khẩu rất ít, chỉ khoảng hơn 300 tấn, còn lại nằm trong kho. Theo ông Dũng, do các thị trường các nước nhập khẩu đã tích trữ nhiều trong năm 2022, cộng với việc giá viên nén đi xuống nên nhà máy chấp nhận sản xuất cầm chừng để chờ tín hiệu mới từ thị trường
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, Công ty TNHH thương mại Tâm Phúc Gia Lai (xã Ia băng, huyện Chư Prông) có công suất khoảng 20.000 tấn/tháng, hàng ngày vẫn sản xuất rồi được đưa xuống cảng Quy Nhơn “lưu kho” để chờ thị trường tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thương mại Tâm Phúc Gia Lai cho biết, công ty hiện sở hữu nhà máy chế biến viên nén gỗ ở Gia Lai và Kon Tum với công suất lớn nên chịu nhiều áp lực về giá khi thị trường đang quay đầu đi xuống.
Bà Hằng nhận định: “Ngành viên nén gỗ hiện nay chủ yếu sản xuất xong “lưu kho”, phải đến đầu tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay thị trường mới trở lại. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất nếu không công nhân bỏ đi hết, đến lúc làm trở lại phải tuyển lao động đào tạo từ đầu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp cứ duy trì sản xuất để giữ công nhân thì lại rơi vào thế khó”, bà Hằng nói và cho biết, công ty cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới nhằm giảm áp lực về vốn cho doanh nghiệp.
Khó khăn dây chuyền
Theo tìm hiểu từ các doanh nghiệp được biết, thị trường viên nén gỗ không thể xuất khẩu được do ảnh hưởng của thị trường thế giới trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2022, xung đột giữa 2 nước Nga và Ukraine khiến thị trường khí đốt tăng giá cao, các nước ồ ạt nhập khẩu viên nén gỗ. Qua năm 2023, xung đột không còn là tâm điểm nên giá khí đốt giảm xuống, kéo theo thị trường tiêu thụ viên nén gỗ cũng “đóng băng”. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm nhập khẩu nên dự báo trong thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Với việc thị trường tiêu thụ gỗ nói chung và viên nén gỗ nói riêng gặp khó khăn đã khiến người dân trồng rừng (keo, bạch đàn, xà cừ) cũng đang gặp bế tắc, không có chỗ bán.
Theo tìm hiểu được biết, ở vùng biên giới huyện Chư Prông, rất nhiều hộ dân trồng rừng đến thời điểm khai thác nhưng không thể tiêu thụ được do các nhà máy gỗ ngừng thu mua. Mặt khác, giá thu mua của các loại cây này quá thấp nên người dân thua lỗ nặng.
Một kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, chỉ tính riêng 3 xã Ia Ga, Ia Lâu và Ia Mơ, người dân chủ yếu trồng keo, bạch đàn, xà cừ… để phục vụ sản xuất dăm gỗ. Tuy nhiên, hiện có hàng ngàn ha gỗ dăm của người dân đến thời điểm khai thác nhưng không bán được do các nhà máy ngừng thu mua. Còn nếu muốn bán được thì phải đưa xuống Bình Định, nhưng giá thành thấp, chi phí vận chuyển lại cao nên người dân cũng không mặn mà.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, trên địa bàn xã hiện có một số diện tích rừng trồng của người dân đến độ tuổi khai thác đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ khi các nhà máy gỗ không thu mua. Để tháo gỡ, xã cũng đã kiến nghị với Sở NN-PTNT hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho người dân.
Cũng theo ông Tuấn Anh, hiện có rất nhiều cơ sở gỗ băm dăm trôi nổi trên thị trường đã đánh đồng các loại rừng trồng với cây gỗ tạp khiến giá thu mua cho người rất thấp. Chính điều này đã phần nào hạn chế việc thúc đẩy người dân tham gia phát triển kinh tế rừng.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết, với tình hình các nước không nhập khẩu viên nén gỗ, doanh nghiệp trong tỉnh gần như muốn phá sản.
Ngoài viên nén gỗ, các nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến lâm sản gỗ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thị trường không xuất khẩu được đồng nghĩa với việc các nhà máy phải đóng cửa. Chúng tôi cũng đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp tục duy trì sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm thị trường mới, tránh nguy cơ phá sản.
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ ‘bất động’ chờ thị trường tại chuyên mục Lâm nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét