(Tổ Quốc) - Sau hơn 20 năm miệt mài chăm sóc, hiện ông Chống đã có cho mình 10ha rừng với hơn 8000 cây pơ mu, sa mu quý hiếm. Đây là tài sản, "kho báu" vô giá của người cựu binh.
Về bản Trung Tâm (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), nhiều người không khỏi thán phục ông Vừ Vả Chống (SN 1967) vì cách ông đã hồi sinh một cánh rừng hàng ngàn cây quý. Không chỉ vậy, ông Chống còn có mô hình làm kinh tế giỏi mà nhiều người phải noi theo.
Video cánh rừng pơ mu, sa mu quý của người cựu binh già ở xứ Nghệ
Trước đây ông Vừ Vả Chống đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ về quê hương, ông Chống thấy cánh rừng pơ mu, sa mu quý ngày xưa đã bị tàn phá hết nên rất đau lòng. Buồn rầu vì rừng quý bị phá, ông Chống nung nấu ý định sẽ hồi sinh lại rừng.
Nghĩ là làm, ông Chống liền lên chính quyền xin nhận một khoảng đồi trọc về vừa làm kinh tế vừa tìm cách hồi sinh rừng.
Ban đầu khi nhận đồi, ông Chống chỉ nuôi gà, trồng chè xanh. Khi chè và gà đã cho thu hoạch thì ông bắt đầu bán lấy một phần tiền mua cây giống pơ mu và sa mu về trồng. Số tiền còn lại, ông tiếp tục mua con giống về nuôi để quay vòng kinh tế.
Nhưng "đời không như mơ", lứa cây giống quý đầu tiên mà ông Chống trồng bị hư hại gần hết. Nguyên nhân vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc, trồng cây. Thất bại nhưng không chịu bỏ cuộc, ông Chống tiếp tục đi nhiều nơi, tìm nhiều người để học hỏi cách trồng loại cây pơ mu, sa mu tốt nhất.
Nhờ học hỏi được kinh nghiệm mà cây giống ông Chống trồng càng ngày càng phát triển tốt. Khi đã biết cách trồng, hạn chế bệnh tật của cây, ông Chống bỏ thêm nhiều tiền mua cây giống về để phủ xanh đồi trọc.
Không phụ công người chăm sóc, những cây pơ mu, sa mu ông Chống trồng càng ngày càng phát triển cao lớn, vững chắc. Giờ đây, sau hơn 20 năm miệt mài cố gắng, 10ha đồi trọc của ông Chống đã được phủ xanh hơn 8000 cây pơ mu, sa mu quý hiếm. Nhờ ông Chống mà cánh rừng pơ mu, sa mu ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) nay đã mở rộng lên gần 20 ha.
Không chỉ hồi sinh được cả cánh rừng cây gỗ quý, ông Chống còn là một người tiêu biểu với mô hình kinh tế vững chắc ở địa phương.
Dưới tán cây rừng pơ mu, sa mu, ông Chống tranh thủ những khoảng trống để trồng thêm nhiều loại cây như chè tuyết shan, nuôi gà, bò để phát triển kinh tế. Hiện ông Chống đang có 3ha chè tuyết shan cho thu hoạch năng suất cao.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng cây pơ mu, xen kẽ chè và chăn nuôi bò, gà, rất nhiều người dân từ khắp nơi tìm về ông Chống để học hỏi kinh nghiệm. Mỗi lúc có người đến nhờ hướng dẫn, ông Chống lại tận tình chỉ bảo. Khi nhu cầu tăng cao, ông Chống tìm cách nhân giống các cây pơ mu, sa mu để bán cho người dân về trồng.
Nói về tương lai, ông Chống cho biết dự định sẽ làm khu du lịch sinh thái ngay trong cánh rừng pơ mu quý hiếm này. "Tôi muốn khi mọi người vào tham quan cánh rừng này họ sẽ nhận thức được việc trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai sau này", ông Chống tâm sự
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê cho biết, cây pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm. Hiện huyện Kỳ Sơn đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu. Đồng thời, khuyến khích, nhân rộng ra các mô hình trồng thêm nhiều diện tích cây pơ mu, sa mu.
Nhận xét
Đăng nhận xét