Bên cạnh việc đảm bảo quy mô, nguồn cung ứng, doanh nghiệp cần đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu, chọn lựa ra những gì phù hợp nhất để thâm nhập vào thị trường EU.
Chiều tối ngày 22/5, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp giao ban tháng 5/2023 của Ban chỉ đạo Ngoại giao Kinh tế với Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi các biện pháp hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản. Cuộc họp được tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp.
Tìm "thuốc chữa bệnh" cho ngành gỗ
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU Nguyễn Văn Thảo bày tỏ lo ngại trước bối cảnh ngay trong quý đầu năm 2023, ngành gỗ đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ. “Với sự sụt giảm như vậy, đầu tiên cần phải xác định rõ nguyên nhân để tìm ra “thuốc chữa bệnh”, ông Thảo nói.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU Nguyễn Văn Thảo (giữa).
Với địa bàn EU, thị trường trong năm 2022 và quý I/2023 dù ghi nhận những khó khăn nhưng đang phục hồi rất đúng hướng. Theo dự báo, GDP của EU sẽ tăng trưởng 1% vào năm nay và 1,7% vào năm tới. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân ở các quốc gia này cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và năm tới.
Ông Thảo chia sẻ, EU hiện đang phải đối mặt với lạm phát, tuy nhiên do kiểm soát tốt nên vấn đề này không là quá lớn và mức lạm phát hiện nay đang thấp hơn so với dự báo trước đó. Chính vì vậy, xuất nhập khẩu tại EU vẫn sẽ tăng.
Từ đó, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU đặt ra bài toán, tại sao những chỉ số kinh tế tại EU tăng nhưng xuất khẩu gỗ của Việt Nam tại thị trường này lại suy giảm. Do đó, doanh nghiệp cần phải xem xét lại chất lượng của sản phẩm, độ cạnh tranh so với các nước. Một yếu tố cũng được ông Thảo lưu ý là việc thị trường Trung Quốc đã mở lại sau thời gian dài đóng cửa.
Theo đánh giá của ông Thảo, gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU đang rất thấp so với nhu cầu hiện có, mặc dù có sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do.
Từ góc độ thị trường, ông Thảo đã đưa ra 3 đề xuất ngắn hạn cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Theo đó, việc đầu tiên cần đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu để chọn ra những sản phẩm phù hợp để thâm nhập sâu vào thị trường EU.
Thứ hai, giao thương với EU doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo về quy mô, nguồn cung ứng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tạo ra sức nặng với thị trường. Hiện nay, đa phần doanh nghiệp trong nước đều là nhỏ và vừa, cần phải liên kết để đảm bảo quy mô về sản lượng, đảm bảo tính phồn thịnh cho thị trường.
“Thứ ba, điều không thể thiếu là công tác quảng bá sản phẩm. Đây là lĩnh vực chuyên ngành mà doanh nghiệp phải chủ động, không thể dựa vào Cơ quan đại diện, Đại sứ quán", ông Thảo nói.
Về dài hạn, theo ông Thảo, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nâng cao công nghệ để hạ giá thành sản phẩm và đa dạng hoá các mẫu mã, đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải xác định “ra biển lớn sẽ gặp sóng lớn", giao thương với thị trường EU đòi hỏi rất nhiều những tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng ta phải có sự chuẩn bị. Đó là việc tìm hiểu về thị trường, đối tác và tập quán kinh doanh. Đồng thời, là sự chuẩn bị về pháp lý, đừng để bị kiện rồi mới nhận ra khó khăn và thua thiệt", ông Thoả nói.
Giảm thiểu các tranh chấp thương mại
Tại sự kiện, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: “So với 4 tháng đầu năm năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính đều giảm mạnh".
Việc đầu tiên cần đa dạng hoá sản phẩm, nghiên cứu để chọn ra những sản phẩm phù hợp để thâm nhập sâu vào thị trường EU.
Trước các diễn biến trên, ông Lập đề xuất cán bộ ngoại giao tại các Đại sứ quán Việt Nam đóng tại các quốc gia, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, EU và Đông Bắc Á, giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về thực trạng của thị trường về sản phẩm, bao gồm nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu tiêu dùng và các cơ chế, chính sách về chất lượng, mẫu mã, tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ nhập khẩu.
Chủ tịch VIFOREST chia sẻ: "Hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các Cơ quan ngoại giao trao đổi với Bộ Thương mại Mỹ đề nghị phía bạn giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định".
Đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Mỹ chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng, bởi lo ngại.
Đồng thời, đại diện VIFOREST cũng bày tỏ mong muốn nhận được các thông tin cảnh báo sớm, các thông tin thị trường để định hướng cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét