Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn
Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết cùng với việc tìm các dòng sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách, các doanh nghiệp cũng dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 khi kim ngạch xuất khẩu liên tục tuột dốc bởi lượng hàng tồn kho của nước ngoài, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với những mặt hàng không thiết yếu.
Do thiếu đơn hàng mới nên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tìm đường gỡ khó khăn cho những tháng cuối năm 2023.
Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng
Vốn là các mặt hàng không thiết yếu, các dòng sản phẩm gỗ chế biến sâu không còn là sản phẩm được ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng thế giới. Trong 6 tháng vừa qua, biến động thị trường thế giới đất động mạnh nên tất cả các ngành nghề.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá lạm phát, suy thoái kinh tế, biến động giá nhiên liệu, nguồn thu nhập không tăng,… đã khiến cho người tiêu dùng của nhiều quốc gia phải thực hiện kế hoạch chi tiêu thắt lưng buộc bụng.
Đa số người tiêu dùng chỉ dành cho chi tiêu các thực phẩm thiết yếu, giá rẻ để có thể duy trì mức sống ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn do nguồn thu nhập giảm, vật giá tăng tại các thị trường này. Chính vì vậy, các mặt hàng sản phẩm gỗ chế biến chuyên sâu như đồ trang trí nội thất, trang trí phòng ngủ, vật dụng văn phòng đều được người tiêu dùng cân nhắc, tái sử dụng những đồ dùng cũ.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số ấn tượng trên đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu. Trong ngành chế biến xuất khẩu gỗ hiện có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bên cạnh việc người tiêu dùng gia giảm tiêu dùng và sử dụng các mặt hàng đồ gỗ, phía cơ quan chức năng quốc gia nhập khẩu cũng có nhiều chính sách mới gây khó cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.
[Hoàn 19.100 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ngành gỗ]
Đơn cử từ giữa tháng 5/2023, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đã điều tra trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm mặt đá thạch anh của Trung Quốc vì có nghi ngờ chuyển tải sang Việt Nam, lắp ráp vào nội thất gỗ, đặc biệt là tủ gỗ, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế CBPG/CTC. Chính vì vậy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ phải cân nhắc kỹ và thêm nhiều công đoạn truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm gỗ sang thị trường này.
Riêng doanh nghiệp chế biến gỗ cũng phải chật vật trước những biến động tiêu dùng và phải tìm cách đối phó với tình hình trước mắt.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mai Song Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ hiện khách hàng rất sợ tồn kho, đặc biệt là tồn kho sản phẩm gỗ chế biến sâu, đồ nội thất,… Điều này khiến cho các đơn hàng giảm đi kể từ cuối năm 2022 cho đến nay, những đơn hàng từ vài nghìn sản phẩm, giờ chỉ tính đơn vị hàng trăm. Công ty cũng không còn "kén cá chọn canh" như trước nữa.
Để luôn có đơn hàng, chủ doanh nghiệp chủ động tìm lại "bạn hàng" cũ, chấp nhận cả những khách hàng mà mình từng từ chối. Ngoài ra, công ty cũng nhận những đơn hàng khó gia công với giá thấp. Đó là giải pháp mà các doanh nghiệp chế biến gỗ đưa ra để tìm được, tận dụng từng đơn hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất.
Hướng tới sản phẩm gỗ đặc thù
Mặc dù, xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, trong các sản phẩm, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Điển hình như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sản phẩm dăm gỗ, nửa đầu năm nay đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam; trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%, bà Cao Thị Cẩm, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cũng cho hay dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt.
Còn thị trường châu Âu dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo của ngành gỗ ứng phó khó khăn hiện nay.
Ông Patrick Mui, Giám đốc Tư vấn Điều hành Centdegrés Việt Nam, đánh giá đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD. Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu.
Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), cho biết song song với việc tìm các dòng sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách, các doanh nghiệp cũng dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tái cấu trúc lại nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất. Từ đó, các nhà xưởng có thể cho ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn để tăng khả năng thu hút, nhận thêm đơn hàng từ khách hàng cũ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét