(ANTV) - Nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao. Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội hiện có diện tích rừng là gần 80 ha. Trước đây, đã có những vụ cháy rừng xảy ra, nguyên nhân là bởi trẻ em ở khu vực lân cận vào rừng chơi, đốt lửa. Cùng với đó là thói quen của người dân đốt nương, rẫy. Và khách du lịch, bất cẩn trong quá trình thăm quan.
Trong những ngày nắng nóng, khô hanh, dự báo cháy rừng ở cấp 4, cấp nguy hiểm và cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích rừng trồng chủ yếu là thông, keo và bạch đàn nên có thảm thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Việc duy trì đường băng cản lửa như thế này, được đơn vị quản lý rừng tiến hành thường xuyên, để khống chế và kiểm soát các khu vực khi cháy rừng xảy ra.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC, khi cháy rừng xảy ra, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do những hạn chế về địa hình đồi núi, khả năng tiếp cận hiện trường, nguồn nước phục vụ chữa cháy không đủ để đáp ứng. Nhiều điểm cháy rừng ở sâu bên trong. Và để chủ động trong công tác quản lý, lực lượng Công an cũng đã tổng rà soát các chủ hộ có rừng trên địa bàn, làm rõ trách nhiệm và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn phòng cháy rừng.
Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao…chính quyền địa phương đưa ra phương án, biện pháp PCCCR phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt và việc sử dụng lửa ở trong rừng, ven rừng. Chuẩn bị các trang thiết bị, phương tiện tại chỗ…đảm bảo khi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp chữa cháy rừng ngay từ lúc mới phát sinh, ngăn cháy lan diện rộng. Quan trọng nhất, là các biện pháp được duy trì một cách thực chất.
Những buổi diễn tập phương án chữa cháy rừng huy động nhiều lực lượng như thế này đang được chính quyền cơ sở tổ chức thường xuyên. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, huy động lực lượng, nhìn rõ những hạn chế trong công tác chữa cháy rừng để có phương án triển khai phù hợp với tình hình thực tế. Các xã, phường có rừng đều thành lập tổ xung kích tham gia chữa cháy.
Cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra ở nhiều địa phương trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng.
Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng
Trên địa bàn TP Hà Nội, năm 2022, xảy ra 12 vụ cháy rừng diện tích bị cháy gần 17 ha. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cháy rừng tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Trong tháng 6/2023, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng ở địa bàn các xã Minh Trí, Nam Sơn, Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn thiệt hại hơn 3ha rừng phòng hộ. Chính quyền cơ sở cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong PCCC rừng.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Bảo vệ rừng- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét