(NLĐO)- Hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường ở Thanh Hóa được trồng từ khoảng 30 năm trước với chức năng phòng hộ đã bị đốn hạ tan hoang để trồng cây ăn quả, gây bức xúc dư luận địa phương
Theo phản ánh của người dân, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đốn hạ tan hoang khiến người dân không khỏi lo lắng, bất bình.
Hình ảnh rừng thông 30 năm tuổi trên núi Linh Trường bị đốn hạ tan hoang. Ảnh chụp ngày 29-6
Thực tế tại đây sáng 29-6, phóng viên nhận thấy một diện tích rừng thông rộng lớn trên lưng chừng núi Linh Trường đã bị chặt hạ, đào bới nham nhở. Hầu hết mảng xanh của rừng là những cây thông có tuổi đời trên dưới 30 năm đã bị chặt gần hết, để lộ ra những mảng đồi trọc lóc, trắng xóa. Trên triền núi, đường mở tới đâu, thông bị chặt hạ, đánh bật gốc tới đó. Những gốc thông có đường kính 10 - 35 cm, thậm chí có những gốc trên 40 cm đã bị đào lên, chất đống chết khô ven những con đường mới mở.
Qua quan sát thì hầu hết gỗ cây thông đã được di chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn gốc và số ít những thân cây được cắt từng khúc ném lại hiện trường. Trên một diện tích rộng lớn thông đã bị triệt hạ, nhiều cây trồng như bưởi, dừa, dứa, dổi… mới được trồng.
Một cây thông có đường kính lớn bị đốn hạ còn trơ lại gốc. Ảnh chụp ngày 29-6
Theo người dân địa phương, toàn bộ rừng thông trên núi Linh Trường (thuộc 2 xã Hoằng Yến và Hoằng Trường) có diện tích khoảng 400 ha, trước đây là rừng phòng hộ được trồng từ những năm 1989-1990 theo dự án 661 và 327. Tuy nhiên, từ năm 2017 không hiểu sao toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này lại được chuyển sang rừng sản xuất. Kể từ đó, rừng thông trên núi Linh Trường bắt đầu bị khai thác gỗ, chuyển đổi mục đích khiến diện tích ngày một giảm đi.
"Năm 2017, rừng thông bắt đầu được khai thác mủ, một người đàn ông tên Ngọc (không phải người địa phương) về thu mua mủ. Sau đó, người này đã mua lại diện tích rừng của nhiều hộ dân rồi mở đường lên núi, chặt hạ thông để trồng cây ăn quả. Việc chặt hạ rừng thông không rõ có được phép hay không, nhưng chúng tôi thấy rất xót xa. Để có được cánh rừng tốt như thế, phải mất hàng chục năm trồng, bảo vệ. Có thời điểm chính quyền xã huy động cả học sinh lên núi để trồng rừng"- anh N.V.H. (ngụ xã Hoằng Trường) cho hay.
Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Trường, đã có hàng chục ha rừng thông bị chặt hạ để chuyển đổi mục đích. Ảnh chụp ngày 29-6
Để xem rừng thông bị khai thác đến mức nào, anh H. vào Google Maps gõ từ khóa "núi Linh Trường" rồi zoom lại gần cho phóng viên xem. Quả thực từ trên cao nhìn xuống, một diện tích đất rừng rộng lớn trên núi Linh Trường hiện ra trắng xóa, xen lẫn những khoảng trắng là một số ít cây thông còn sót lại. Quanh khu vực này, những cánh rừng nào chưa bị khai thác thì hiện lên một màu xanh ngắt.
Được biết, núi Linh Trường có địa thế rất đặc biệt về an ninh quốc phòng, trên núi hiện có 1 trạm radar của Bộ Quốc phòng. Đây là dãy núi cao duy nhất nằm án ngữ phía Đông của huyện Hoằng Hóa với một bên giáp cửa Lạch Trường và một bên giáp biển, tạo nên hình cánh cung bao bọc làng mạc phía bên trong.
Núi Linh Trường là dãy núi quan trọng không chỉ về an ninh quốc phòng mà còn về chức năng phòng hộ khi nơi đây vừa giáp sông, vừa giáp với biển, dân cư sinh sống đông đúc dưới chân núi. Ảnh chụp ngày 29-6
Không chỉ là "lá phổi xanh" điều hòa không khí cho cả vùng mà rừng thông trên núi Linh Trường còn giữ nguồn nước ngầm cho người dân địa phương. Vì thế, việc rừng thông hàng chục năm tuổi bị chặt hạ khiến người dân địa phương không khỏi lo lắng, bởi khi mưa bão xảy ra, rừng không còn, nguy cơ sạt lở đất đá từ trên núi xuống rất lớn, trong khi xã Hoằng Trường có cả ngàn hộ dân sống bao quanh chân núi.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về việc này, ông Lê Phạm Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, xác nhận việc chặt hạ rừng thông hàng chục năm tuổi trên núi Linh Trường là đúng thực tế và những hộ khai thác đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho phép.
Một khúc gỗ thông còn lại tại cánh rừng, bên cạnh đó là những cây trồng mới. Ảnh chụp ngày 29-6
Cũng theo ông Thảo, khu vực rừng thông đã bị đốn hạ thuộc đất nhà nước giao khoán trồng rừng theo dự án 327 và 661 từ những năm 1989, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ của xã trên núi hiện đã chuyển thành rừng sản xuất. Năm 2022, có 4 hộ dân được Sở NN-PTNT cho phép chặt hạ thông để trồng cây ăn quả (cây dổi lấy hạt) với tổng diện tích 68,4 ha.
Về số lượng cây thông bị đốn hạ, khối lượng gỗ sau khai thác bao nhiêu, diện tích thực tế đã khai thác như thế nào, có đúng theo kế hoạch, thiết kế được Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa duyệt hay không, ông Thảo cho biết ông không nắm được, vì xã chỉ tham gia thành phần khi có đoàn kiểm tra.
Nhận xét
Đăng nhận xét