(ĐCSVN) - Đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, sở ngành, và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 305.000 ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 205.000 ha, rừng trồng hơn 99.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 57%. Trong 10 năm vừa qua (2012 - 2022), tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 346 vụ cháy, gây thiệt hại diện tích 914 ha rừng.
Đặc biệt, năm 2022, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các khu rừng tự nhiên xung yếu cơ bản được kiểm soát và hạn chế được tình trạng chặt phá rừng; số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá giảm so với năm 2021; ổn định tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh, hiện đạt 57,15%.
Tuy nhiên, hiện tượng El Nino gây nắng nóng gay gắt kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác PCCCR tại các địa phương. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024, với xác suất khoảng 80 - 90%, dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Tính riêng đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các ngành chức năng, với quyết tâm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, sẵn sàng huy động tối đa nhân lực, vật lực để ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Công tác PCCCR đã được quan tâm và chủ động theo phương châm “4 tại chỗ" và "5 sẵn sàng”.
Đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR tại địa phương có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được kết quả này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, sở ngành, và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể. "Chúng tôi tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" - đồng chí Hoàng Hải Minh nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính quan tâm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng cấp bách năm 2023 cho tỉnh Thừa Thiên Huế từ nguồn ngân sách Trung ương với số tiền đề nghị là 30 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo phát hiện sớm cháy rừng bằng công nghệ không gian địa lý, dụng cụ và trang thiết bị bảo hộ cháy rừng.
Thừa Thiên Huế sẵn sàng huy động tối đa nhân lực, vật lực để ứng cứu khi có tình huống cháy rừng xảy ra. |
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng một số giải pháp, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và đơn vị trực thuộc chú trọng tuyên truyền. Hằng ngày, các đơn vị sẽ sử dụng phương tiện như xe truyền thông lưu động chạy dọc các tuyến rừng, tổ chức các buổi họp để tuyên truyền tới bà con Nhân dân các văn bản liên quan đến công tác PCCCR. Qua buổi họp này, các đơn vị sẽ ký cam kết với bà con không được đốt rừng bừa bãi, gây cháy rừng; đồng thời hướng dẫn cho người dân biết cách xử lý khi xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Ngọc Tuấn cũng khẳng định, đơn vị đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chủ rừng. Chú trọng công tác kiểm tra về xây dựng và phương án phòng cháy của các đơn vị. Chuẩn bị các phương tiện dụng cụ, triển khai chốt chặn ở các điểm không cho người dân vào rừng trong mùa nắng nóng, tránh các hành vi sử dụng lửa không đúng quy định. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của tất cả các đội bảo vệ rừng, trực ở chòi canh và trực 24/24 tại các điểm được xác định là điểm nóng, có nguy cơ cháy rừng cao…
Theo Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trên địa bàn. Cụ thể, đơn vị đã chủ động phối hợp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, kiêm Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn của tỉnh để chỉ đạo triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế luôn đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; từ đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động. Đặc biệt, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, trong đó phát huy vai trò của Trung tâm đô thị thông minh Hue - S và Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế; đồng thời phối hợp với các lực lượng tổ chức tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng về PCCCR...
Đồng chí Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đơn vị đã huy động hơn 1.140 dân phòng để triển khai công tác PCCCR trong dân cư; tập huấn cho 10.829 lượt người tham gia về công tác PCCCR. Đơn vị đã vận động lực lượng "4 tại chỗ" (phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để có thể dập tắt được đám cháy một cách nhanh và hiệu quả nhất khi xảy ra cháy rừng/.
Nhận xét
Đăng nhận xét