Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ ngành có đàm phán thoả thuận với các quốc gia để hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam tương thích với yêu cầu của các thị trường lớn.
Chia sẻ với DĐDN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan có đàm phán thoả thuận với các quốc gia để hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của chúng ta tương thích với yêu cầu của các thị trường lớn, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
- Đã trải qua tháng đầu năm của năm 2024, ông dự báo tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp lâm nghiệp năm 2024 như thế nào?
Năm 2023, nhu cầu của hầu hết thị trường lớn của xuất khẩu gỗ Việt như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU đều sụt giảm. Cuối cùng thì chúng ta xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,2 tỷ USD, giảm 15,5% nhưng chúng tôi cũng cho rằng mức giảm này cũng là một thành công lớn của doanh nghiệp vì đầu năm 2023 mức sụt giảm cao hơn rất nhiều, khoảng 30%, chúng tôi đã dự báo cả năm mức suy giảm 25-30%, như vậy chúng ta cũng đã đạt được kết quả đáng khen.
Năm 2024, chúng ta rất khó đoán định vì những vấn đề liên quan xung đột địa chính trị, lãi suất cao cũng như sức mua của thị trường và hội chứng “sợ chi tiêu tiền” cũng như cả vấn đề lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi dự báo ít nhất là 2 quý đầu năm 2024 tất cả những ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sẽ còn khó khăn. Hi vọng từ quý III trở đi chúng ta tìm lại được đà phục hồi và tăng trưởng.
- Vậy giải pháp cho các doanh nghiệp là gì để tiếp tục cầm cự qua giai đoạn khó khăn cũng như chuẩn bị cho hồi phục, thưa ông?
Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng cũng đã có buổi làm việc riêng với VIFOREST để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ ngành liên quan cũng đã có đối thoại trực tiếp để nhằm tìm kiếm thêm thị trường, thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp gỗ và các ngân hàng, tăng khả năng tín dụng.
Đây là những chính sách vĩ mô về tài chính, tiền tệ, hay chính sách tăng cường thúc đẩy thương mại đã một phần nào đó hỗ trợ doanh nghiệp gỗ. Tuy nhiên, thực sự trong cơ chế thị trường, những chính sách hỗ trợ chỉ có tác động ở mức nhất định, còn hầu hết chúng ta đang phụ thuộc vào thị trường và người tiêu dùng.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đón tin vui
>>>Xuất khẩu gỗ “khốn đốn” vì “nguồn gốc”
- Bên cạnh những khó khăn về nhu cầu giảm, khó khăn lớn nhất nào mà doanh nghiệp phải đối diện trong năm 2024 này? Và ông có đề xuất nào với Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Trong ngành công nghiệp gỗ hiện vẫn còn gặp khó mà chủ yếu là về đầu ra. Năng lực cạnh tranh phụ thuộc nhiều vào nỗ lực đổi mới công nghệ, thiết bị, cải thiện quản trị doanh nghiệp của từng nhà xuất khẩu. Tuy nhiên cũng có những vấn đề chúng tôi mong muốn có sự đồng hành hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như vấn đề làm sao vượt qua những rào cản về phòng vệ thương mại?
Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu gỗ rất lớn trên phạm vi toàn cầu, do đó một số thị trường lớn của chúng ta thường áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, điều tra chống gian lận xuất xứ… Những vụ việc này rất cần ngoại giao kinh tế, rất cần sự giao tiếp, thậm chí ở mức cao nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể xuất khẩu bình thường.
Bên cạnh đó, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều có chủ trương tăng trưởng xanh, thương mại xanh và chế biến xanh giảm phát thải nhà kính. Gỗ là lĩnh vực nhạy cảm đã được “nội soi” rất kỹ khi liên quan rừng, do đó, các quốc gia là các thị trường lớn đều có rào cản về môi trường. Gần đây EU đã thông qua quy định EUDR về không gây mất rừng và suy thoái rừng. Theo quy định đó, hầu hết các doanh nghiệp Việt đến giữa năm 2025 phải có thêm nhiều giải trình, nhiều công việc phải làm với những bằng chứng cụ thể để chứng minh nguồn gốc minh bạch.
Ngoài ra Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương cần tăng cường hơn ngoại giao để chúng ta phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng: “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam kiên quyết đeo đuổi con đường phát triển có trách nhiệm, phát triển bền vững, phát triển không gây hại cho môi trường mà còn giảm phát thải, đảm bảo tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như toàn cầu”.
- Còn cần thêm những hỗ trợ cụ thể nào khác nữa, thưa ông?
Không chỉ có thị trường EU, nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có yêu cầu phát triển không gây hại tới rừng. Do đó, chúng tôi mong muốn những người dân có được chứng chỉ rừng bền vững. Hiện Việt Nam đang thực hiện 3 hệ thống chứng chỉ, chúng tôi muốn tỷ lệ rừng có quản lý chứng chỉ bền vững của quốc tế được tăng lên.
Đồng thời mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan có đàm phán thoả thuận với các quốc gia để hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của chúng ta tương thích với yêu cầu của các thị trường lớn ví dụ như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc….họ yêu cầu tới đâu, chúnh ta đáp ứng tới mức nào? Tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường này. Chúng tôi cũng mong Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi mức cao nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt ở thời điểm khó khăn hiện tại.
Nhận xét
Đăng nhận xét