Nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất tại Việt Nam đang tăng, vì vậy thị trường trong nước được xem là “miền đất hứa” cho các nhà sản xuất ván gỗ công nghiệp.
Tuy nhiên, không ít sản phẩm kém chất lượng đang gây ra những hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường sống mà người tiêu dùng chưa biết.
Ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng
Theo tính toán của các Hiệp hội ngành gỗ, chỉ riêng với đồ gỗ nội thất, nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là trên 20 USD/người/năm. Như vậy tính ra, quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất trong nước lên đến 4 – 5 tỷ USD. Dung lượng thị trường vẫn đang tăng lên theo từng năm, trong đó, Hà Nội và TP HCM là hai thị trường có sức mua nhiều nhất.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm ước tính có tới 70 – 80 triệu mét vuông nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao.
Tuy nhiên, những bất cập trong việc sản xuất ván gỗ công nghiệp cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu dùng, trong đó, chất lượng và tính an toàn của các sản phẩm này chưa được nhà sản xuất thực sự quan tâm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng cũng như ô nhiễm môi trường.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng Việt vẫn chưa mấy quan tâm đến tính an toàn của gỗ nội thất mà giá thành, mẫu mã, hợp với thiết kế ngôi nhà đang là những tiêu chí được ưu tiên hàng đầu.
Chia sẻ về những ảnh hưởng của việc chọn nội thất mà quên chất lượng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, ảnh hưởng từ đồ nội thất trong nhà đã được nghiên cứu từ lâu tại các nước phát triển.
Tác hại của những khí có hại tỏa ra từ đồ nội thất tới sức khỏe người sống trong nhà được gọi là "sick building" (hội chứng khó chịu tòa nhà) thường xuất hiện khi con người ở trong tòa nhà như văn phòng, trường học... có các triệu chứng đau yếu, khó chịu không rõ lý do.
"Nó thường gây ra các khó chịu ở mắt, mũi, họng khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu, khó thở và sẽ tăng độ nặng khi kéo dài thời gian ở trong tòa nhà. Đây là một vấn đề y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng khả năng làm việc, giao tiếp, giảm hiệu suất công việc và gây tổn thất về kinh tế.
Nguyên nhân từ formaldehyde. Đây là chất ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến do được sử dụng trong nhiều sản phẩm gia dụng và vật liệu xây dựng", ông Dũng phân tích.
Người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ sức khỏe chính mình
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BXD quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hoá, vật liệu xây dựng. Trong đó, Thông tư đã đưa ra các ngưỡng về phát thải kim loại nặng đối với giấy dán tường, phát tán hàm lượng formaldehyde đối với các loại ván gỗ công nghiệp gồm ván sợi, ván dăm và ván thanh.
Cụ thể, đối với sản phẩm gỗ công nghiệp ván sợi thì hàm lượng formaldehyde phát tán đối với phân loại E1 không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 9 mg/100g; còn đối với phân loại E2 thì hàm lượng formaldehyde lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 30 mg/100g. Tương tự, với sản phẩm gỗ công nghiệp ván dăm hàm lượng formaldehyde phát tán không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc 0,7 mg/l, hoặc 8 mg/100g.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm lựa chọn gỗ nội thất an toàn, ông Lê Viết Hoàng Thân - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn KES cho biết, khi mua sắm vật liệu xây dựng, đặc biệt vật liệu nội thất, người dân có thể đánh giá chất lượng sản phẩm qua giác quan, cũng như thông số in trên bao bì.
"Bản chất gỗ công nghiệp đều có mùi. Nhưng những sản phẩm đạt chuẩn khi ngửi sẽ không cảm thấy khó chịu. Đối với một số mặt hàng không đạt chuẩn, khi ngửi vào sẽ thấy rất cay nồng sộc lên mũi, khó chịu thì không đạt chất lượng về độ an toàn sức khỏe, không nên sử dụng", ông Thân cho biết thêm.
Cũng theo ông Thân, trên thị trường ván lót sàn, có ba dòng cơ bản phân loại thông qua màu sắc gồm: ván màu xanh lá cây (chống ẩm), màu đen (chống ẩm và có độ cứng cao), màu trắng (ván thường, không chống ẩm). Khi trưng bày, đa số ván đã được trang trí bằng các lớp phủ, nên việc cảm nhận bằng giác quan vẫn chưa đủ, do đó cần đọc thêm các thông số về tiêu chuẩn kỹ thuật. Các thông tin trên bao bì thể hiện thường gồm: độ mài mòn, khổ ván, độ dày, chỉ số phát thải formandehyde...
Nhận xét
Đăng nhận xét