Mặc dù thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành gỗ. Bên cạnh các khó khăn về đầu ra, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững.
Thị trường rộng, áp lực gia tăng
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), mặc dù Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ trung bình khoảng 16 tỷ USD/năm. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ hiện đối diện với không ít thách thức. Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, quy định chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6-2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải bảo đảm tính hợp pháp và không gây mất rừng. Bên cạnh đó, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net zero ngày càng tăng.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Quang Hiệp Tiến (TP.Tân Uyên)
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30 - 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới toàn ngành gỗ Việt Nam mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp, đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.
Trong khi đó, năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Thời gian tới, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.
Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chếbiến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương đạt 9 - 10 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ USD. Tốc độtăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chếbiến gỗ và sản phẩm từ gỗ tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 20%/ năm, giai đoạn 2026-2030 đạt 10%/năm. |
“DN ngành gỗ ở thế buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, DN buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Bình Dương là địa phương xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh. DN nào tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp các DN ngành gỗ duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế”, ông Huỳnh Thanh Trung, phụ trách xúc tiến thương mại BIFA, cho biết.
Hướng đến bền vững, hiệu quả
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định quan điểm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Dương theo hướng bền vững, hiệu quả trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và nhập khẩu. Đề án đề ra định hướng đầu tư giống cây trồng để tạo ra những loại nguyên liệu gỗ nhân tạo, gỗ công nghiệp; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng (gỗ cao su và gỗ tràm) tại các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển ngành công nghiệp chếbiến gỗtỉnh Bình Dương đạt trình độcông nghệhiện đại, cókhảnăng sản xuất các sản phẩm gỗcao cấp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vàtiêu thụtrong nước.
Ông Nguyễn Liêm cho biết các hiệp hội chế biến gỗ trong nước đang triển khai hoạt động khảo sát công tác hỗ trợ hội viên thực hiện chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Hoạt động này nhằm nhận diện thực tế việc thực hiện quy định về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, đồng thời xác định bất cập và tìm giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Bởi thực tế, quá trình thực thi các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản ở các DN, hộ kinh doanh còn gặp nhiều vướng mắc. Việc thực thi cần sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức vì đây là việc quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao giá trị của ngành.
Ông Nguyễn Thanh Được, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), cho biết nhiều địa phương trong vùng Đông Nam bộ chuyển từ đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ cao su cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong giai đoạn trước mắt. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ diễn ra ngày càng gay gắt, tương lai không xa, nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là mối lo trong dài hạn mà các công ty phải tính đến.
Cộng đồng ngành gỗ Bình Dương kiến nghị trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các DN ngành gỗ, cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn cho các DN sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để thí điểm mô hình phát triển DN theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết net zero trong ngành gỗ, cần đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết net zero. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
TIỂU MY
Nhận xét
Đăng nhận xét