VOV.VN - Nhiều năm trở lại đây, ngoài màu xanh của lúa, ngô, trên những khu vườn, rẫy của người dân xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, còn được bao phủ bởi màu xanh của cây trắc, một loài gỗ quý. Việc giữ rừng gỗ trắc không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho người dân mà còn bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho loài cây này.
Ông Yok, Trưởng làng A Lao, xã Lơ Pang, Mang Yang cho biết, nằm dưới chân núi Lơ Pang, 4 làng của người Bahnar được thiên nhiên ban tặng cho rừng gỗ trắc quý. Nhưng hàng chục năm trước, người dân chặt gỗ để bán, làm nhà, lấy đất sản xuất, nên rừng trắc quý đã bị đốn sạch. Khoảng hơn chục năm nay, từ gốc cây cũ, những cây trắc non đã mọc trở lại, san sát nhau. Được chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, bà con bảo nhau đây là rừng gỗ quý, không ai chặt phá, mà cùng đoàn kết, bảo vệ. Ông Yok nói: “Ngày xưa có nhiều gỗ trắc to, người ta chặt ấy ấy là cột nhà, trụ nhà. Giờ cây mọc lại từ rễ cũ. Cây trắc có giá trị, bà con biết cây quý, nên giữ lại, không chặt, giữ để cho con cái mình đời sau được hưởng lợi”.
Ông Đinh Kăi, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, Mang Yang cho biết, cây trắc có khả năng tái sinh, nên diện tích gỗ trắc tại địa phương ngày càng mở rộng. Ban đầu chỉ là hơn 20ha ở làng A Lao, nay đã mở rộng hàng chục ha trải dài khắp 4 làng. Thấy được tiềm năng và cả nguy cơ rừng gỗ trắc sẽ biến mất nếu không được bảo vệ, những năm gần đây, chính quyền cùng với người dân đang nỗ lực tìm giải pháp: “Ở Lơ Pang, diện tích cây trắc rất là lớn, có cách đây từ lâu, trải dài 4 thôn làng. Ngày xưa, người dân đã khai thác và nhiều người khác vào xã khai thác, mua bán. Hiện nay, chính quyền và bà con ý thức được giá trị của cây trắc, để bảo tồn. Mong muốn của xã là kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp để họ hướng dẫn và có nguồn quỹ, hướng dẫn người dân bảo tồn lại nguồn gen của cây trắc.”
Ông Nguyễn Thành Vĩnh- Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa phương đồng hành cùng bà con trong việc giữ gìn rừng gỗ quý.
“UBND huyện chỉ đạo hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, tuần tra. Các hộ gia đình có cây trắc trên đất thì làm bản cam kết, sơ đồ để bảo tồn; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; bước đầu có hiệu quả cao, tạo sinh kế sau này cho bà con và tăng độ che phủ rừng tại địa bàn huyện”- ông Vĩnh nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét